Những năm gần đây, trong bối cảnh thế giới vẫn đang loay hoay với nhiều bất ổn địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại quay trở lại mạnh mẽ, Việt Nam liên tục ghi nhận mức giải ngân vốn FDI thuộc nhóm cao nhất trong khu vực, trở thành “điểm sáng” sản xuất chiến lược của nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Đây cũng là lực lượng đóng góp khoảng 25-28% GDP, khoảng 3/4 tỉ trọng xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt, cán cân thương mại của Việt Nam đang dương hoàn toàn nhờ vào các doanh nghiệp FDI.
Đặc biệt năm 2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong quý I đã đạt 10,98 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức.
Tuy nhiên, sóng gió nổi lên khi Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bất ngờ xem xét áp mức thuế đối ứng lên tới 46% với một số mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam, điều này đang đặt ra dấu hỏi lớn về triển vọng duy trì và mở rộng dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Ngày 2/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ xem xét áp mức thuế đối ứng lên tới 46% với một số mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam.
Cùng với đó, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày, từ ngày 10/4 sẽ là một giai đoạn “thử lửa” đầy cam go nhưng cũng mở ra cơ hội khẳng định vị thế Việt Nam, đặc biệt là với khối doanh nghiệp FDI.
Liệu chúng ta cần làm gì để cuộc đàm phán giữa Việt Nam – Mỹ sẽ đạt được kết quả tốt nhất? Việt Nam có còn giữ được sức hút trong mắt nhà đầu tư nước ngoài? Chính phủ nên hành động ra sao để không đánh mất đà thu hút FDI đang có?
Để làm rõ những vấn đề này, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi riêng với TS. Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
NĐT: Ông đánh giá như thế nào về việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam? Mục đích thật sự của Tổng thống Donald Trump là gì?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, tôi cho rằng việc Mỹ áp thuế lên các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Mỹ với mức 46% là một diễn biến hoàn toàn bình thường.
Từ tháng 11/2024, khi ông Donald Trump thắng cử và chuẩn bị đảm nhiệm nhiệm kỳ Tổng thống thứ 47 của Mỹ, chúng ta đã có thể dự đoán trước những chính sách như vậy. Tuy nhiên, điều mà không ai ngờ tới là mức áp thuế của Mỹ dành cho Việt Nam lại lên tới 46%. Đồng thời, chúng ta cũng không đoán trước được phạm vi áp dụng của chính sách áp thuế gần như bao trùm toàn bộ các đối tác thương mại của Mỹ với thời hạn rất gấp gáp.
Nếu theo dõi kỹ các thông điệp tranh cử và cương lĩnh của ông Trump cũng như Đảng Cộng hòa, có thể thấy rõ rằng họ ưu tiên chính sách mang tính dân tộc, đề cao thị trường nội địa nhiều hơn là thúc đẩy toàn cầu hóa.
TS. Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (Ảnh: Quỳnh Chi).
Đương nhiên, nếu chỉ nhìn vào các chỉ số và lập luận logic thông thường, chúng ta sẽ thấy có những điểm chưa hợp lý. Nhưng nếu theo dõi đầy đủ phát ngôn của Tổng thống Mỹ và các quan chức đầu ngành, thì cách họ nhìn nhận về kinh tế Việt Nam lại “khớp” với chính sách thuế đang áp dụng.
Chẳng hạn, chúng ta cần nhìn lại một thực tế là nền kinh tế Việt Nam không phải quá lớn – GDP khoảng 460 tỷ USD, nằm trong nhóm thứ 60-70 thế giới. Nhưng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tới 135 tỷ USD, trong khi chỉ nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD. Xuất siêu hơn 120 tỷ USD – chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico. Đó là một con số bất thường và chắc chắn không thể khiến Mỹ ngó lơ.
Chúng ta từng thấy hình ảnh Tổng thống Trump giơ bảng biểu và nói: “Việt Nam – những nhà đàm phán tuyệt vời” đã thể hiện rõ quan điểm và cách nhìn của ông Trump.
Hình ảnh Tổng thống Trump giơ bảng biểu và nói: “Việt Nam – những nhà đàm phán tuyệt vời”.
Dù chúng ta có lý giải rằng cơ cấu hai nền kinh tế có tính tương hỗ, rằng hàng hóa “Made in Vietnam” nhiều khi là sản phẩm do tập đoàn Mỹ đầu tư và thiết kế – thì trên số liệu, đó vẫn là hàng xuất xứ Việt Nam. Và khi ta đưa những con số đó vào báo cáo kinh tế vĩ mô để khẳng định thành tích xuất khẩu, thì tất nhiên ta cũng phải chịu trách nhiệm với mặt trái của nó.
Tương tự, ngay cả khi chúng ta nhập siêu từ Trung Quốc, thì cũng đang chủ động đàm phán để phía bạn mở cửa hơn cho hàng hóa Việt Nam, nhằm cân bằng thương mại. Với Mỹ, họ cũng làm điều tương tự – chỉ khác là họ mạnh hơn và hành động nhanh hơn. Vậy nên, nhìn nhận một cách công bằng và tỉnh táo, việc áp thuế này là điều có thể dự báo, không có gì là bất ngờ.
Ông Kiên cho rằng, theo cách nghĩ của ông Trump, nước Mỹ phải được đặt lên hàng đầu “America First”.
Mục tiêu của ông Trump không đơn thuần là để gây khó cho Việt Nam hay bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Ông ấy muốn thay đổi lại toàn bộ cơ cấu thương mại toàn cầu. Bởi vì theo ông Trump, điều ông ấy đã nói đi nói lại rất nhiều lần, luật chơi thương mại hiện nay vẫn là luật chơi được thiết lập từ thời Chiến tranh Lạnh, sau năm 1945. Trong khi thế giới giờ đây đã khác rồi.
Với ông Trump, thế giới bây giờ không còn là một thế giới toàn cầu hóa như trước nữa, mà là một thế giới “đơn cử” tức là mỗi nước phải đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Và nước Mỹ, theo cách nghĩ của ông ấy, thì luôn phải được ưu tiên. “America First” – khẩu hiệu đó không phải là để nói chơi.
NĐT: Theo ông, động thái áp thuế của Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng như nào tới môi trường đầu tư của Việt Nam, chúng ta cần ứng xử ra sao để duy trì vị thế và tránh rơi vào thế bị động?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Xét về các nhà đầu tư FDI, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng sẽ có những ảnh hưởng nhất định, bởi thế giới hiện đang trong quá trình tái cấu trúc lại hệ thống thương mại quốc tế. Không chỉ riêng Việt Nam, mà toàn bộ hệ thống thương mại toàn cầu đều chịu tác động từ chính sách thương mại mới của Mỹ.
Chúng ta nhìn nhận rõ, nước Mỹ từng là quốc gia đặt ra luật chơi cho nền kinh tế thị trường đa phương. Nhưng hiện tại, họ đang rút khỏi vai trò đó và xây dựng một mô hình hoàn toàn mới. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc xem xét và chủ động thích nghi.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, diễn biến địa chính trị hiện na đang chuyển biến rất nhanh, với xung đột chính xoay quanh mối quan hệ giữa: Mỹ – Trung Quốc – EU – Nga (Ảnh: Quỳnh Chi)
Phải nói rằng, diễn biến địa chính trị hiện nay đang chuyển biến rất nhanh, với xung đột chính xoay quanh mối quan hệ giữa: Mỹ – Trung Quốc – EU – Nga.
Thị trường đầu tư của Việt Nam cũng sẽ xoay vần theo vòng xoáy đó. Tình hình sẽ phụ thuộc vào các cuộc gặp sắp tới, ngày 14 – 15/4 chúng ta sẽ có đàm phán song phương với Trung Quốc. Đầu tháng 5 sẽ là cuộc gặp cấp cao với Nga. Còn trong quý III, chúng ta đã phát đi lời mời và đang xúc tiến việc lãnh đạo cấp cao của Mỹ sang thăm Việt Nam. Thậm chí, nếu điều kiện thuận lợi, cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9, lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam sẽ có chuyến công du chính thức tới Mỹ.
Chúng ta phải hiểu rằng, trong bối cảnh hiện nay, không chỉ có doanh nghiệp mà cả quốc gia cũng phải biết “đa dạng hóa chuỗi cung ứng đối ngoại”. Càng nhiều đối tác chiến lược, càng linh hoạt trong ứng xử thì càng giảm thiểu được rủi ro. Đấy là cách một quốc gia nhỏ có thể giữ vững vị thế giữa thế giới nhiều biến động.
NĐT: Trong diễn biến mới nhất, Mỹ tạm hoãn áp thuế với các nước 90 ngày, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đàm phán với phía Mỹ, đưa mức thuế quan với Mỹ về 0%. Ông có chia sẻ gì về việc này?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, chúng ta có thể nói rằng việc Việt Nam chủ động đưa ra mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về 0% là một quyết sách rất lớn. Nó không chỉ đơn thuần là một động thái kỹ thuật về thuế quan, mà là một tín hiệu chính trị và kinh tế rất mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ quá trình đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong 90 ngày tới.
Và tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây không phải là một quyết định chỉ gói gọn trong khuôn khổ quan hệ song phương với Mỹ, mà nó còn tạo ra hiệu ứng dây chuyền trong quan hệ kinh tế, thương mại của Việt Nam với những đối tác chiến lược khác, trong đó có EU, Trung Quốc, và khu vực Đông Bắc Á.
Hiện tại, Việt Nam vẫn đang là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và chúng ta cam kết thực hiện quy chế Tối huệ quốc (MFN). Khi chúng ta ưu đãi cho một quốc gia, cụ thể là đưa thuế hàng hóa Mỹ về 0% thì về nguyên tắc, chúng ta cũng phải đảm bảo một lộ trình tương tự hoặc có lý do rõ ràng để không gây ra sự bất bình đẳng trong thương mại quốc tế.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, nếu chúng ta quyết định đưa hàng hóa Mỹ về 0% thuế, thì phải xây dựng một lộ trình cực kỳ chặt chẽ.
Do đó, nếu chúng ta quyết định đưa hàng hóa Mỹ về 0% thuế, thì phải xây dựng một lộ trình cực kỳ chặt chẽ. Lộ trình đó không chỉ cần tính đến khả năng hấp thu của nền kinh tế và sức chịu đựng của thị trường nội địa, mà còn phải đặt mục tiêu kép: một mặt hỗ trợ thị trường trong nước phát triển bền vững, mặt khác vẫn đảm bảo không gây ra cú sốc đối với các thị trường truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là EU – nơi chúng ta đang có Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản vì đây là hai nhà đầu tư FDI lớn vào Việt Nam. Nếu chính sách của ta khiến cho cán cân ưu đãi bị lệch về phía Mỹ, thì rất có thể sẽ làm phát sinh những phản ứng hoặc điều chỉnh đầu tư từ các quốc gia này.
Với Trung Quốc thì lại là một câu chuyện khác, thị trường nhập khẩu rất lớn đối với hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản, thủy sản và các mặt hàng thô. Dù cán cân thương mại nghiêng về phía Trung Quốc, nhưng với Việt Nam, đây vẫn là thị trường trọng yếu.
Tóm lại, việc giảm thuế cho hàng hóa Mỹ về 0% không chỉ là một quyết sách đàm phán, mà là bài toán tổng thể về định vị của Việt Nam trong hệ sinh thái thương mại toàn cầu hiện nay.
Điều này phải được soi xét trong bối cảnh địa chính trị – địa kinh tế khu vực và thế giới, đặc biệt khi trật tự thương mại quốc tế đang có xu hướng tái cấu trúc dưới tác động từ những quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc hay các khối như EU.
NĐT: Vậy trong 90 ngày “thử lửa” này, Việt Nam cần làm gì để đạt được kết quả đàm phán tốt nhất?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Hành động trước hết là ngay từ nay đến hết quý II, chúng ta phải ngồi lại, phân tích rất kỹ cơ cấu xuất khẩu của 28 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trên 1 tỷ USD. Cách ứng xử với từng ngành cũng phải khác nhau, không thể lấy một chính sách áp cho tất cả rồi hy vọng là nó sẽ hiệu quả.
Đối với khối doanh nghiệp FDI, chúng ta phải tận dụng chính họ để đàm phán. Họ có kênh, có hiệp hội, có tiếng nói như AmCham, EuroCham hay KoCham thì tại sao chúng ta không mời họ vào bàn để cùng thảo luận?
Đây không chỉ là câu chuyện giữa Việt Nam và Mỹ, mà còn là quyền lợi trực tiếp của các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư ở Việt Nam. Chính họ phải là người đứng ra bảo vệ lợi ích của mình. Và chúng ta, là nước chủ nhà, phải tạo cơ chế để họ có thể phát huy vai trò ấy.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, đối với khối doanh nghiệp FDI, chúng ta phải tận dụng chính họ để đàm phán.
Còn với những ngành hàng mà Việt Nam và Mỹ đang gần như cân bằng thương mại ví dụ như nông sản ta lại phải nói rõ. Ta xuất cá, tôm, bạn xuất đậu tương, bột cá để làm thức ăn chăn nuôi. Giá trị xấp xỉ nhau, gần như cân bằng. Đây là cơ sở để chứng minh rằng không hề có tình trạng lợi dụng thị trường hay bóp méo thương mại.
Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có gần 30.000 sinh viên sang Mỹ học. Đây chính là xuất khẩu tại chỗ của Mỹ, là dịch vụ giáo dục, là văn hóa. Mỗi năm chúng ta chi trả vài tỷ USD. Vậy có tính đấy là “nhập khẩu” không? Nếu tính thì chúng ta đâu phải chỉ “xuất siêu”?
Đặc biệt, những tập đoàn lớn sản xuất ở đây, bán hàng đi Mỹ, lợi nhuận thu được họ mang về Mỹ, đóng thuế ở Mỹ. Tức là GDP của Mỹ vẫn đang tăng thêm nhờ Việt Nam. Phải chứng minh được điều đó.
Phải chỉ cho họ thấy rằng nếu họ cứ chăm chăm nhìn vào con số nhập siêu là thiếu sót, bởi vì lợi nhuận mà doanh nghiệp Mỹ thu được từ hoạt động sản xuất tại Việt Nam vẫn đang quay về Mỹ. Đấy mới là câu chuyện thực chất, là thứ chúng ta cần phải đặt lên bàn đàm phán trong 90 ngày tới.
Xét về môi trường đầu tư, điều mà chúng ta có thể làm được là hoàn thiện bản thân mình để cho các đối tác thương mại thấy chúng ta là một đối tác có hiệu quả, năng động và có trách nhiệm khi làm việc.
Tinh thần “có trách nhiệm” ở đây, như Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh, là đảm bảo được lợi ích hai bên cùng thắng. Chúng ta tạo điều kiện để họ đầu tư nhanh chóng, thuận lợi, hỗ trợ trong khâu sản xuất, trong đào tạo nghề để xây dựng được một lực lượng lao động có tay nghề. Từ đó, khi họ mang công nghệ vào, có thể triển khai sản xuất ngay mà không phải chờ đợi hay thích nghi lâu dài.
NĐT: Ông có cho rằng, liệu các dòng vốn FDI vào Việt Nam từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… có bị chững lại do e ngại rủi ro liên quan đến thuế Mỹ không?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Đối với doanh nghiệp FDI, chúng ta thấy rõ ràng rằng việc Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Bởi vì điều đó làm cho tỉ suất lợi nhuận của các nhà đầu tư tại Việt Nam không còn cao như họ kỳ vọng ban đầu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách khách quan và toàn diện hơn. Ví dụ việc chênh lệch thuế suất giữa hàng hóa Việt Nam có thực sự lớn đến mức các nhà đầu tư phải tái cơ cấu toàn bộ chuỗi cung ứng hay không? Hay nó vẫn nằm trong ngưỡng mà các tập đoàn có thể điều chỉnh bằng cách cân đối chi phí và tối ưu hóa hoạt động sản xuất?
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, việc Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (Ảnh: Quỳnh Chi).
Hơn nữa, chúng ta cũng phải hiểu rằng bản thân các nhà đầu tư FDI, nếu họ quay trở về chính quốc để đầu tư, thì họ cũng không thể vượt qua được những rào cản nội tại rất lớn của họ.
Ở Nhật Bản là vấn đề dân số già, cơ cấu dân số mất cân đối trầm trọng, dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động trẻ, nhất là trong các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, dịch vụ cao cấp. Đây là vấn đề cơ cấu quốc gia, không thể giải quyết trong ngắn hạn. Họ bắt buộc phải tìm kiếm không gian mới để mở rộng năng lực sản xuất, và Việt Nam là một trong những địa điểm thuận lợi nhất ở Đông Nam Á.
Vấn đề nằm ở niềm tin dài hạn, chứ không phải chỉ ở một vài phần trăm lợi nhuận trong ngắn hạn. Mà muốn có niềm tin dài hạn, thì chính sách của chúng ta phải ổn định, nhất quán và thể hiện tầm nhìn chiến lược. Đấy mới là điều quan trọng nhất lúc này.
NĐT: Theo ông, đâu sẽ là yếu tố khiến Việt Nam vẫn có thể duy trì sức hút với nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp rào cản thuế quan từ Mỹ?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Trước hết thì chúng ta phải nhìn nhận rõ những đổi mới rất đáng ghi nhận của Việt Nam trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những định hướng, dự định bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ 14.
Đây là những tín hiệu rất tích cực, thể hiện quyết tâm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và mở rộng chính sách đầu tư một cách thông thoáng, minh bạch. Những chính sách này không chỉ dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài mà còn tạo điều kiện rất tốt cho cả khu vực tư nhân trong nước phát triển.
Đặc biệt, phải kể đến tiềm năng về logistics của Việt Nam. So với Thái Lan, chúng ta có tuyến vận tải biển thuận lợi hơn. So với Đài Loan (Trung Quốc) hay Singapore, chúng ta có lợi thế cả về mặt địa lý lẫn không gian phát triển cảng biển và hậu cần sau cảng.
Singapore là trung tâm cảng biển hàng đầu khu vực, nhưng diện tích đất hạn chế, nên muốn mở rộng hay nâng công suất cũng rất khó. Còn Thái Lan thì nằm sâu trong Vịnh Thái Lan, điều đó khiến cho việc tiếp cận các tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông trở nên bất tiện hơn.
Phóng viên Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi riêng với TS. Nguyễn Đức Kiên.
Trong khi đó, Việt Nam nằm ngay trên trục hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, đất có, cảng có, lại đang đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển và logistics. Nếu chúng ta tiếp tục hoàn thiện được các tuyến đường kết nối, đặc biệt là đường sắt từ Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai, kết nối sang Trung Quốc và qua đó đi sang châu Âu, thì chúng ta sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian vận chuyển hàng hoá.
Vì vậy, nếu chúng ta nắm bắt được thời cơ, biết chọn đúng chiến lược phát triển, thì không những không bị mất vị thế, mà còn có thể vươn lên trở thành điểm trung chuyển, trung tâm logistics quan trọng trong khu vực. Và như vậy, dòng vốn FDI sẽ không rời đi, mà ngược lại, còn đổ về nhiều hơn nữa.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!